0
Nếu như nói rằng quê hương, tổ quốc, đất nước là cội nguồn của những thành viên của một cộng đồng dân tộc nói chung, thì dòng họ (hay họ tộc) là nguồn gốc trực tiếp của những thành viên có cùng một dòng máu, do một tổ mà ra. Dòng họ như một gốc cây mà các chi họ, các thành viên các đời nối tiếp nhau như những cành cây đâm chồi từ gốc mà có. Quê hương đất nước, các vùng quê và làng xã có các sắc thái văn hoá của làng xã, vùng quê.


Mỗi dòng họ - họ tộc cũng tạo nên và lưu truyền lại nét đẹp văn hoá của dòng họ - họ tộc mình, văn hoá dân tộc, văn hóa các vùng quê, văn hoá của một làng xã, văn hoá của các họ tộc là một thể hoàn chỉnh có chiều sâu và rộng, riêng và chung hài hoà, phong phú và đa dạng.
Văn hoá dòng họ - họ tộc là một cái gì đó thiêng liêng sâu thẳm trong tâm khảm của các thế hệ. Đó không chỉ là di truyền của gien sinh học, tạo nên những thế hệ mới kế thừa tổ tông, mà còn hàm ân nghĩa sinh thành. Nếu như một sản phẩm văn hoá có thể được sáng tạo ra một cách ngẫu hứng, giá như một tác phẩm hội hoạ tuyệt diệu, một cung điện lộng lẫy chẳng hạn, thì những thành viên hay các thế hệ nối tiếp của dòng họ đều là di truyền của các thế hệ trước, không có chuyện ngẫu hứng xuất hiện một thành viên mới của dòng họ.
Do vậy, văn hoá của một dòng họ - họ tộc, xét về mặt vật chất, thực thể mang nặng tính sinh học – di truyền học của cùng một dòng máu. Ở xã hội loài người , sự tạo ra các thế hệ mới có mục đích và định hướng, để duy trì giống nòi và tạo ra những thế hệ mới hữu ích cho xã hội, cho họ tộc mình. Điều đó được thể hiện như những nét văn hóa, chẳng hạn việc cấm kết hôn trong cùng một dòng máu, cấm mọi hành vi loạn luân, luật pháp quy định sau 5 đời mới cho phép kết hôn, song thực tế những dòng họ lớn, có văn hoá cao, cùng tụ cư trong cùng một địa lý, chuyện lấy nhau là hiếm hoi dù đến 9, 10 đời. Ngày nay, mỗi gia đình sinh đẻ không nhiều hơn 2 con, điều đó không chỉ nhằm hạn chế tốc độ tăng dân số quá nhanh, mà còn là nét đẹp của văn hoá gia đình - họ tộc, đảm bảo cho mỗi thành viên đều được dạy dỗ, nuôi dưỡng trưởng thành một cách có trách nhiệm của một cộng đồng và họ tộc, tạo nên những thế hệ mơi mạnh khoẻ và có văn hoá.
Cái quan trọng nhất của văn hoá dòng họ - họ tộc, có lẽ là các biểu hiện tinh thần - ứng xử của họ tộc. Nếu như đối với các hoạt động văn hoá khác, như văn hoá ăn uống, văn hoá trang phục … chẳng hạn, thì các cấu thành về vật chất, về tinh thần và về ứng xử thường khi có thể phân biệt được hai yếu tố tinh thần và ứng xử như quyện vào nhau. Đối với mỗi dòng họ, chúng ta thấy sự cố kết huyết thống được hoàn thiện ở mỗi cây phả hệ các thế hệ lịch đại (tức các đời từ vị tổ đầu tiên trở xuống) và các chi nhánh thứ tự đương đại. Tất cả được duy trì một cách nghiêm ngặt trong xưng hô - ứng xử; và các dòng họ đã văn bản hoá cách ứng xử đó bằng một cuốn gia phả dòng họ (tất nhiên hầu hết các dòng họ ở nước ta đều có gia phả nhưng vì những điều kiện lịch sử mà bị thất lạc, nhiều họ chỉ truy tìm được trên dưới khoảng 10 đời). Cũng từ gia phả - phả hệ dòng họ, người ta tạo lập các nhà thờ để phụng thờ tổ tiên (kỵ huý) các vị đã quá cố. Nhà thờ họ và các nghi lễ của từng nhà thờ được duy trì theo tập tục và truyền thống của từng họ. Nhà thờ họ như là nơi tập trung của văn hoá dòng họ, có họ (nhất là những họ lớn) có nhà thờ to, trang nghiêm với kiến trúc kiên cố, song có dòng họ nhà thờ đơn sơ, nhiều khi là gian nhà chính của tộc trưởng, cũng có nhiều dòng họ hiện chưa có nhà thờ. Cùng với nhà thờ là phần mộ tổ tiên hay nghĩa trang của dòng họ, cũng là một nét biểu hiện của văn hoá dòng tộc. Dân tộc ta có truyền thống giữ gìn mồ mả tổ tông, câu ngạn ngữ: “sống ngôi nhà, chết ngôi mả” phản ánh tâm lý đó. Một thời gian mồ mả tổ tông bị coi nhẹ nhưng gần đây con  cháu các dòng họ đều quan tâm hơn đến mồ mả hài cốt các thế hệ đã khuất, song có một vài nơi xây lăng mộ quá lớn trong khi đó thì điều kiện sống đang hạn chế. Từ nhà thờ họ tới nghĩa trang lăng mộ tổ tông, với những lễ nghi, giỗ chạp … mà nhiều dòng họ đã duy trì đến nay, chứng tỏ sự cố kết dòng họ bắt đầu lại bền vững, và đạt được chuẩn mực của nét đẹp văn hoá dòng họ truyền thống.
Cốt lõi văn hoá dòng họ là làm sao duy trì và tạo lập cho các thế hệ đương đại, những người đang sống hiện nay một cuộc sống lành mạnh, có đấy đủ điều kiện vật chất để tồn tại, và trên cơ sở đó có một cuộc sống văn hoá tinh thần và văn hoá ứng xử tốt đẹp. Vai trò của dòng họ đối với từng gia đình, từng thành viên trong dòng họ là cực kỳ quan trọng, biết lấy gương sáng của tổ tông giáo dưỡng cho con cháu học tập, lao động tạo ra nhiều của cải cho gia đình và xã hội, biết sống đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Những quy ước, phong tục tốt đẹp của từng dòng họ cần được tạo dựng và duy trì, đó là tộc phong rất cần thiết. Tự hào về dòng họ mình là thêm một sức mạnh tinh thần mà tổ tông truyền lại linh thiêng cao cả hơn những lời nguyền. Đó là nét đẹp và sức mạnh cuốn hút của văn hoá dòng họ truyền thống. Song cũng đề phòng những khuynh hướng quá tự tôn dòng họ cũng như tự ti dòng họ, tự tôn hay là tự cao tự đại với những dòng họ lớn, nhiều đời hiển vinh, lắm công thần, lắm người đỗ đạt, bây giờ con cháu phô trương thanh thế bằng nhiều cách như xây cất nhà thờ, mồ mả tốn kém, hay coi khinh các dòng họ nhỏ, ít người. Ngược lại, các dòng họ nhỏ, vì nhiều lý do lịch sử để lại, không vì vậy mà không tái lập lại và là tối thiểu các lễ nghi của họ mình, tránh sự đua tranh không lành mạnh.
Như vậy, nói đến văn hoá dòng họ ta đề cập đến một vấn đề sâu thẳm trong tâm thức của mỗi thành viên họ tộc được truyền lại từ tổ tiên ngàn xưa, những gì thiêng liêng nhất khi chúng ta tìm về cội nguồn. Gốc có rễ cây có cành, gốc càng bền vững thì cành là mới xum xuê, tươi tốt, cây sẽ cho nhiều hoa thơm và nhiều trái ngọt.

Đăng nhận xét

 
Top