Chăm lo việc họ là xuất phát từ trong sâu thẳm tấm lòng thành kính với tổ tiên, gắn kết tình đồng tộc. Tham gia vào công việc hoạt động dòng họ rất dễ và cũng rất khó, bởi họ cần hoàn toàn tự nguyện, không gò ép đồng thời có khuyến khích, cần khéo léo nhắc nhở, đôn đốc, không thể bỏ mặc.
Thờ cúng Tổ tiên cốt ở lòng thành, với cái tâm, chứ không phải ở cái danh, cái hình thức, sự thành kính với ông bà tổ tiên, không nhất thiết phải linh đình, mâm cao, cỗ đầy, chỉ nén hương thơm, chén nước tinh khiết cũng được. Nhưng bên cạnh đó cũng tùy tâm, tùy khả năng nhưng cũng không nên quá lãng phí. Trước là để bầy tỏ lòng thành kính với tổ tiên, sau là con cháu thụ lộc, chung vui. Xác định việc thờ cúng không phải là phụng dưỡng, mà là tấm lòng tôn kính, tri ân với công đức đời trước, đồng thời giáo dục cho thế hệ sau luôn biết uống nước nhớ nguồn, sống có hiếu, có nhân.
Việc họ dễ ở chỗ là bất kỳ ai cũng có thể tham gia, không kể trưởng thứ, già trẻ, nội ngoại, dâu rể, nam nữ, sang hèn, trình độ, cứ có lòng thành kính, có tâm với tổ tiên là tham gia được.
Nhưng việc họ khó là ở chỗ đó là phải làm sao quy tụ, gắn kết được họ hàng, làm cho họ hàng đoàn kết và thịnh vượng. Việc họ khó còn thể hiện ở chỗ đó là không kể khi nghèo hèn mà có sự thờ ơ hay lúc sang giàu mà có sự thái quá, mà phải luôn một lòng thành kính với tổ tiên, khi nghèo thì cũng phải làm sao cho đúng và đủ phong tục lễ ghi, dù lễ vật không lớn, cốt ở cái tâm, khi giàu thì cũng không nên mâm cao cỗ đầy quá đáng, rồi mời thầy nọ, thầy kia về cúng bái linh đình, rồi nghĩ ra đủ thứ ghi thức không có, không đúng với tín ngưỡng.
Việc họ khó còn thể hiện ở chỗ đó là chỉ biết bản thân mình, biết cha mẹ mình, các thế hệ gần gũi với mình, mà phải biết mọi người trong dòng họ đều như nhau, không kể xa gần.
Việc họ khó còn thể hiện ở chỗ làm sao phải biết phát huy văn hóa của dòng họ, biết duy trì các truyền thống, nét đẹp của dòng họ, rồi truyền vào thế hệ con cháu đời sau, để con cháu luôn tự hào, phát huy truyền thống tốt đẹp đó, để học tập, rèn luyện trở thành con ngoan trò giỏi, công dân có ích. Đây chính là việc quan trọng nhất của việc họ, là việc mà tổ tiên ông bà luôn mong muốn, con hơn cha là nhà có phúc.
Tham gia vào việc họ không tính toán mình được gì mất gì, không cầu lợi, cầu danh, mà phải xác định là việc của mình, việc của nhà mình.
Việc họ khó còn thể hiện ở chỗ là làm sao với cái tâm duy trì liên tục, chứ không phải hôm nay làm tốt, ngày mai lại sao nhãng.
Việc họ nghe cứ ngỡ cao xa, nhưng thật ra rất gần gũi, gần gũi nhưng cũng không phải là dễ nếu không thật sự tâm huyết.
Việc họ nên bàn bạc thống nhất, “chín bỏ làm mười”. Giao cho ai chủ trì, thì theo người đó. Nhất là những người cao tuổi, ai cũng có kinh nghiệm của mình. Nhiều khi phải khéo léo vận động trong “nhóm trung kiên” để có “tiền hô hậu ủng” khi đưa ra số đông. Nhưng đối với những việc hoàn toàn có hại thì phải chân thành góp ý ngay.
Nguyên tắc của việc họ là phải công tâm, không suy bì. Chọn người tốt, “chọn mặt gửi vàng”. Người được giao phải hết sức công tâm và thận trọng. Và cũng chớ để tình trạng “vì tích cực việc họ mà anh chị em bất hoà, vợ chồng, con cái phàn nàn”!
Trên đây là một vài suy nghĩ về công việc của dòng họ, đúc kết được trong quá trình tham gia công tác của dòng họ, rất mong được sự góp ý của anh chị em, các chú, các bác và bà con trong họ.
Đăng nhận xét